Người dân sử dụng đất chăn nuôi tập trung theo Luật Đất đai 2024 cần lưu ý điều gì?

Luật Đất đai 2024 quy định những nguyên tắc cụ thể về việc người dân sử dụng đất chăn nuôi tập trung…

Gia đình tôi hiện có cơ sở chăn nuôi lợn tập trung tại địa phương. Thời gian gần đây, tôi theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng thì được biết đất chăn nuôi tập trung có trong Luật Đất đai 2024 nhưng chưa nắm rõ những quy định cụ thể. Vậy xin hỏi những quy định, nguyên tắc sử dụng đất chăn nuôi tập trung được quy định ra sao trong Luật Đất đai 2024?

Trả lời:

Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho biết, căn cứ theo Khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định nhóm đất nông nghiệp, trong đó bao gồm loại đất mới nhất là đất chăn nuôi tập trung. Đây là lần đầu tiên đất cho chăn nuôi tập trung có trong Luật Đất đai sửa đổi.

Luật Đất đai 2024 có những quy định, nguyên tắc sử dụng đất chăn nuôi tập trung cụ thể như sau:

Đất chăn nuôi tập trung là gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 183 Luật Đất đai 2024 quy định về khái niệm đất chăn nuôi tập trung như sau: Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.

Theo đó, đất chăn nuôi tập trung được xem như một yếu tố quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp hiện đại, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng suất, giúp quản lý dễ dàng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Quy định về đất chăn nuôi tập trung theo Luật Đất đai 2024

Điều 183 Luật Đất đai 2024 quy định về loại đất chăn nuôi tập trung như sau:

Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.

Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi. Ảnh: M.H.

Việc sử dụng đất chăn nuôi tập trung phải tuân thủ các quy định sau đây: Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý chất thải và biện pháp khác để không ảnh hưởng đến người sử dụng đất trong khu vực và xung quanh; Trường hợp sử dụng đất chăn nuôi tập trung mà có xây dựng công trình gắn liền với đất thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.

Tổ chức kinh tế, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư chăn nuôi tập trung.

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án chăn nuôi tập trung.

Nguyên tắc sử dụng đất chăn nuôi tập trung

Người sử dụng đất chăn nuôi tập trung phải tuân thủ các nguyên tắc chung tại Điều 5 Luật Đất đai 2024 bao gồm:

Đúng mục đích sử dụng đất.

Bền vững, tiết kiệm, có hiệu quả đối với đất đai và tài nguyên trên bề mặt, trong lòng đất.

Bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học làm ô nhiễm, thoái hóa đất.

Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan; không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất liền kề và xung quanh.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai

Điều 11 Luật Đất đai quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai như sau: Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai; Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai; Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật.

Không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất; Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước;

Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật; Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.

T. Nam – K. Trinh (Nguồn: Báo Dân Việt)

Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam

(https://nhachannuoi.vn/nguoi-dan-su-dung-dat-chan-nuoi-tap-trung-theo-luat-dat-dai-2024-can-luu-y-dieu-gi/, ngày 31/3/2025)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *