Ngành chăn nuôi 2025: “Vươn mình” trong kỷ nguyên mới

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước thời điểm lịch sử, đặt ra những yêu cầu cấp bách về đổi mới mạnh mẽ, nắm bắt thời cơ, vượt qua những thách thức nhằm thực hiện hóa khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới!

“Thời điểm vàng” để ngành chăn nuôi bước vào vận hội mới

Năm 2024, ngành chăn nuôi tiếp tục khẳng định vai trò và vị trí trong sự đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế của đất nước, tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, địa phương, người chăn nuôi và đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sản xuất chăn nuôi tiếp tục được tái cơ cấu mạnh theo hướng chăn nuôi trang trại, công nghiệp, quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, chăn nuôi ATSH. Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế chính sách thông qua xây dựng, triển khai Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn; Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và 5 Đề án ưu tiên thực hiện chiến lược đã được Bộ NN&PTNT ban hành kế hoạch thực hiện. Nghị định, chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi đã bước đầu tạo nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược, góp phần ổn định sản xuất và phát triển chăn nuôi bền vững.

Ngành chăn nuôi bước vào thời điểm vàng để chuyển đổi 

“Có thể coi đây là thời điểm vàng để chuyển đổi ngành chăn nuôi theo định hướng phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khuyến cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) về chuyển đổi ngành chăn nuôi thế giới theo hướng năng suất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn”, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá

Triển vọng chăn nuôi 2025: Cơ hội song hành cùng thách thức

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, thời gian tới, việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” sẽ góp phần tiếp tục phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hoá, có định hướng thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu những sản phẩm có tiềm năng như: thịt, trứng, các sản phẩm sữa, mật ong, TĂCN… Cùng với đó, hợp tác quốc tế về kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; đầu tư từ doanh nghiệp trong vàngoài nước vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu.

Theo đánh giá của bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc Công ty Agromonitor, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trong năm 2025 tiếp tục phục hồi, đặc biệt là tiêu thụ ngoài gia đình. Đàn heo nái tiếp tục tăng tại miền Bắc và có thể tăng tại miền Nam trong nửa đầu năm 2025 khi dịchtả lợn châu Phi “êm” hơn, cùng sự cải thiện về hiệu suất sinh sản con nái. Tuy nhiên, diễn biến dịch tại miền Bắc trong quý I/2025 và miền Nam trong quý 3-4/2025 sẽ quyết định sự tăng trưởng của thị trường. Đàn gà vẫn tăng trưởng trong năm 2025 nhưng tốc độ tăng chậm lại do lo ngại sự hồi phục nguồn cung thịt heo sẽ khiến thị trường dư cung thịt, cùng áp lực thịt gà nhập khẩu vẫn khá lớn.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ, kể từ 01/7/2025, số định danh cá nhân sẽ được thay cho mã số thuế của hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân và người phụ thuộc. Điều đó sẽ khiến các khoản thuế của người chăn nuôi nhỏ lẻ, giếtmổ, kinh doanh đều được rõ ràng, minh bạch. Điều này cũng đặt ra những vấn đề về tài chính cho ngành chăn nuôi.

Theo góc nhìn của TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2025 vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi và kiểm soát giết mổ vẫn là những thách thức lớn của ngành chăn nuôi. Thủ tục hành chính và các quy định trong quản lý vật tư chăn nuôi, thú y còn tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho người chăn nuôi, doanh nghiệp, làm phát sinh chi phí sản xuất và lỡ cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp. Việc áp dụng Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như các văn bản có liên quan tại các tỉnh, thành phố còn chậm. Đặc biệt là các hoạt động liên quan đến việc di dời các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi; quản lý giết mổ, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; kiểm soát nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật qua biên giới. Chủ trương về tinh gọn bộ máy cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực khi trực tiếp tham gia vào các hoạt động quản lý chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.

Hợp lực liên kết chuỗi, đưa chăn nuôi bước vào kỷ nguyên mới

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, khi thiết kế Luật Chăn nuôi, Chiến lược phát triển chăn nuôi, chúng ta đã định hướng tạo không gian thuận lợi hình thành và phát triển các chuỗi liên kết bền chặt trong chăn nuôi. Đứng đầu chuỗi là các doanh nghiệp lớn (doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp FDI). Những đầu tàu này sẽ phát huy thế mạnh của mình đầu tư vào những khâu mà chăn nuôi nhỏ lẻ không thể làm được như sản xuất thức ăn, giết mổ, chế biến, kiến tạo thị trường, thậm chí thiết kế thị trường. Từ đó, dẫn dắt các HTX, hộ chăn nuôi tham gia chuỗi định hướng sản xuất một cách hiệu quả, bền vững.

Trên thực tế, nhiều ý kiến lại cho rằng các doanh nghiệp FDI đang phát triển rất nhanh, chi phối ngành chăn nuôi Việt Nam. Điều này vô hình chung đã thu hẹp không gian của các doanh nghiệp trong nước. Do đó, cần phải có giải pháp hạn chế để doanh nghiệp trong nước có thể chiếm thị phần nhiều hơn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng nhận định này và nhìn thẳng vào thực tế. Khi Việt Nam mở cửa hội nhập, cơ hội và thách thức sẽ luôn xuất hiện song hành cùng nhau. Do đó, việc sản phẩm chăn nuôi trong nước phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác là điều tất yếu. Trong bối cảnh đó, chúng ta mở cửa chào đón các doanh nghiệp FDI nhằm tận dụng tối đa nguồn lực của họ để phát triển, nâng tầm sản xuất trong nước.

Nhiều đánh giá vẫn nhìn nhận dư địa ngành chăn nuôi trong nước còn nhiều, nhưng suy xét đến cùng sẽ thấy chúng ta đã đạt giới hạn về quy mô chăn nuôi (số đầu lợn đứng thứ 6 thế giới; thủy cầm thứ 2 thế giới; đàn trâu, bò đã hơn 10 triệu con…). Trong khi đó, diện tích cho chăn nuôi có hạn; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường; áp lực bảo vệ môi trường lớn, nhất là việc ngành chăn nuôi phải tham gia tích cực vào chiến lược chung của quốc gia, thực hiện các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính (chăn nuôi chiếm 17-19% lượng phát thải trong nông nghiệp); các loại dịch bệnh nguy hiểm luôn rình rập.

Việt Nam đã đạt giới hạn về quy mô chăn nuôi

Đồng thời, mặc dù trong nước số lượng đầu con vẫn tăng, nhưng lượng hao hụt do dịch bệnh, thiên tai khá lớn. Chăn nuôi là ngành chịu nhiều chi phí nhất như phòng chống dịch bệnh, nhân công, giá thức ăn tăng cao… làm giá thành chăn nuôi trong nước cao hơn so với thịt nhập khẩu, dẫn tới lượng thịt bên ngoài đi vào thị trường nội địa vẫn tăng. Theo thống kê, hiện tại trong nước mỗi năm sản lượng thịt tăng 2%, trong khi thịt nhập khẩu tăng 15-20%. Đây là minh chứng cho thấy năng lực, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước chưa đủ mạnh để hạn chế sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Đặc biệt, trong thời gian tới, hoạt động nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng do thuế nhập khẩu đang lùi dần về 0%. Chỉ khi tính toán và phân tích được tất cả các yếu tố này thì mới thấy không gian chăn nuôi đang ngày càng hẹp đi. Nếu người làm chăn nuôi trong nước không nghiêm túc tự nâng cấp mình thì chắc chắn sẽ bị đào thải ra khỏi cuộc đua. Bên cạnh đó, phải hiểu cặn kẽ rằng, doanh nghiệp FDI đầu tư vốn, công nghệ, lao động tham gia sản xuất vẫn là người Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp Việt xuất phát điểm đã gặp nhiều hạn chế về các nguồn lực, trong bối cảnh đòi hỏi phát triển nhanh, mạnh, nếu nắm giữ thị phần lớn nhưng không tự làm mới được mình về mọi mặt, không đủ sức cạnh tranh thì Việt Nam rất dễ trở thành một nước nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Một nước nông nghiệp mà phải đi nhập khẩu thịt là chúng ta đã thua. Nông dân vừa không có việc làm, mất đi quyền lợi chính đáng của mình vừa không thể khai thác được các tài nguyên khác từ chăn nuôi như phụ phẩm làm phân bón, dịch vụ… để phục vụ tốt hơn cho các định hướng lớn về an sinh xã hội, phát triển sản xuất trồng trọt an toàn, hữu cơ. Cho nên, trong guồng quay không ngừng của thị trường, nếu doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI liên kết chặt chẽ được với nhau thì tất cả sẽ cùng lớn mạnh, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh với sản phẩm từ các nước.

Ngược lại, nếu vẫn duy trì cách thức “mạnh ai nấy làm” thì không những không thể phát triển mà càng làm cho mình tự “hụt hơi”. Chỉ cần dẫn một ví dụ đơn giản là giống lợn cụ kỵ có giá thành rất cao và mỗi cơ sở không cần thiết phải có số lượng lớn. Nếu không có liên kết, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đều đi nhập khẩu con giống này về sử dụng, thì vô hình chung chúng ta đang lãng phí chi phí không cần thiết. “Trong bối cảnh mới, chắc chắn phải tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Doanh nghiệp đủ mạnh thì tổ chức liên kết kín, chưa đủ mạnh tiến hành liên kết hở. Trong một không gian mà đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi không biết bán sản phẩm cho ai; đơn vị sản xuất không biết nên bán sản phẩm cho thị trường nào là điều tối kỵ. Chỉ có hợp lực lại, ai có thế mạnh ở mảng nào phát huy tối đa ở mảng đó, bổ trợ để cùng nhau giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thì mới có thể đi xa trong chăn nuôi”, ông Nguyễn Xuân Dương đánh giá.

Bài và ảnh: Hà Ngân

Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam

(https://nhachannuoi.vn/nganh-chan-uoi-2025-vuon-minh-trong-ky-nguyen-moi/, ngày 29/1/2025)

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *